Bạn có biết, lễ cưới chỉ là dịp để các cặp đôi công khai, ra mắt trước đông đảo bà con họ hàng, còn tờ giấy đăng kí kết hôn mới là quan trọng, xác định hai người đã chính thức trở thành vợ chồng không? Vậy bạn có biết đi đăng kí kết hôn ở đâu, cần những gì, mất bao lâu không? Trong bài viết này chúng tôi sẽ giúp bạn có câu trả lời!
Thế nào là đăng kí kết hôn
Khi hai người yêu nhau quyết định tiến tới hôn nhân, họ sẽ trải qua các buổi lễ dạm ngõ, lễ đính hôn và lễ thành hôn. Sau lễ thành hôn là lễ cưới chính thức, họ trở thành vợ chồng và về sống chung với nhau. Tuy nhiên, đôi vợ chồng này sẽ không được pháp luật thừa nhận nếu không có giấy đăng kí kết hôn. Hơn nữa, họ có thể bị xử phạt hành chính nếu chính quyền đến kiểm tra mà không có giấy đăng kí kết hôn.
Ngược lại, nếu hai người yêu nhau, dọn về chung sống với nhau mà không có đám cưới nào thì vẫn được xem là vợ chồng hợp pháp nếu họ đã đi đăng ký kết hôn.
Như vậy có thể thấy thủ tục đăng kí kết hôn là quan trọng nhất trong hôn nhân, là tờ giấy chứng minh họ là vợ chồng hợp pháp, được chính quyền công nhận.
Tại sao cần phải đăng kí kết hôn
Việc đăng kí kết hôn thứ nhất là để đúng luật, là tuân thủ đúng luật hôn nhân và gia đình theo qui định của pháp luật. Thứ hai là để con cái sau này sinh ra có cha mẹ hợp pháp, được làm giấy khai sinh theo họ cha.
Vậy thì khi nào phải đăng kí kết hôn?
Nhiều người thắc mắc không biết nên đăng kí kết hôn trước hay sau khi diễn ra đám cưới. Thật ra thì trước hay sau gì cũng được, miễn là tuân thủ đúng các quy định của luật hôn nhân và gia đình, các thủ tục đăng kí kết hôn. Tuy nhiên nếu các bạn đăng kí sau khi cưới thì không nên để quá lâu sẽ dễ quên, đến lúc sinh con rồi mới luống cuống đưa nhau đi đăng kí thì sẽ mất nhiều thời gian.
Đăng kí kết hôn có phải tốn tiền không?
Đối với việc đến Ủy ban đăng kí kết hôn, các bạn cũng sẽ phải đóng lệ phí, đây là phí cho việc in ấn giấy tờ nên không đáng kể, khoảng vài chục nghìn đồng.
Các thủ tục đăng kí kết hôn
Rất nhiều bạn trẻ lần đầu tiên kết hôn đều rất bỡ ngỡ với chuyện đăng kí kết hôn. Họ không biết phải đăng kí kết hôn ở đâu, rồi cần đem theo những giấy tờ gì, có phải tốn tiền gì không và sẽ mất nhiều thời gian không?
Thật ra những thắc mắc này không hề thừa. Và thật ra những thủ tục này không có gì rườm rà cả.
Đăng kí kết hôn ở đâu
Theo quy định tại Điều 12 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 của Bộ luật dân sự Việt Nam thì cặp vợ chồng có thể đến Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi mình đang cư trú để đăng ký kết hôn.
Trong trường hợp cả hai đều ở nước ngoài thì các bạn có thể đến cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài để đăng ký kết hôn.
Khi đến văn phòng Ủy ban nhân dân để đăng kí kết hôn, các bạn sẽ đến phòng tư pháp – hộ tịch và được cán bộ ở đây hướng dẫn cụ thể các thủ tục cần thiết để làm giấy đăng kí kết hôn.
Đăng kí kết hôn cần những gì
Theo nghị định số 83/1998/NĐ – CP ngày 10/10/1998 của Chính phủ về đăng ký hộ tịch và Thông tư số 12/1999/TT – BTP ngày 25/6/1999 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số quy định về thời hạn và thủ tục đăng kí kết hôn như sau:
Khi đăng kí kết hôn, bắt buộc cả hai người phải có mặt. Sau khi được cán bộ tư pháp hướng dẫn điền thông tin vào tờ khai đăng kí kết hôn, cả hai đều phải xuất trình các loại giấy tờ liên quan sau đây:
– Giấy khai sinh của vợ và chồng.
– Giấy chứng nhận còn độc thân hoặc đã li hôn của một trong hai người. Nếu nơi đăng kí là địa phương của người vợ thì người chồng phải trình giấy chứng nhận này, có xác nhận của địa phương nơi người chồng cư trú. Và ngược lại, nếu đăng kí kết hôn tại địa phương cư trú của người chồng thì người vợ phải xuất trình giấy chứng nhận độc thân.
– Trong trường hợp một trong hai bên hoặc cả hai bên đã có vợ hoặc chồng nhưng đã ly hôn hay người kia đã chết, thì phải nộp bản sao bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án về việc cho ly hôn hoặc bản sao Giấy chứng tử.
– Sổ hộ khẩu gia đình của bên nam hoặc bên nữ nơi đăng ký kết hôn. Trong trường hợp cả hai bên nam, nữ không có hoặc chưa có nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, nhưng có đăng ký hộ khẩu tạm trú có thời hạn theo quy định của pháp luật về đăng ký hộ khẩu, thì Ủy ban nhân dân xã, nơi bên nam hoặc bên nữ đăng ký hộ khẩu tạm trú có thời hạn thực hiện việc đăng ký kết hôn.
– Trong trường hợp vợ chồng đã ly hôn mà muốn kết hôn lại cũng phỉ tiến hành như lần đầu đi đăng kí.
Đăng kí kết hôn mất bao lâu
Cũng theo Bộ luật dân sự, nghị định 83/1998/NĐ – CP ngày 10/10/1998 của Chính phủ về đăng ký hộ tịch và Thông tư số 12/1999/TT – BTP ngày 25/6/1999 của Bộ Tư pháp, quy định về thời hạn làm giấy đăng kí kết hôn như sau:
Khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Uỷ ban nhân dân cấp xã phải tiến hành xác minh điều kiện kết hôn và niêm yết công khai việc xin đăng ký kết hôn tại trụ sở Uỷ ban nhân dân trong thời hạn bảy ngày. Nếu cần phải xác minh thêm, thì thời hạn kéo dài không quá bảy ngày.
Sau thời hạn nói trên, nếu xét thấy hai bên nam nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và không có sự khiếu nại, tố cáo về việc kết hôn, thì Uỷ ban nhân dân cấp xã phải thông báo cho hai bên nam nữ biết về ngày đăng ký.
Sau thời hạn bảy ngày, kể từ ngày thông báo, nếu hai bên nam nữ không đến đăng ký kết hôn mà không có lý do chính đáng, thì Uỷ ban nhân dân huỷ việc xin đăng ký kết hôn đó và thông báo cho đương sự biết.
Như vậy, nếu bạn đang chuẩn bị cưới thì nên tranh thủ thời gian đưa người bạn đời của mình đến Ủy ban nhân dân để đăng kí đi nhé! Hoặc nếu hai người không có điều kiện tổ chức đám cưới thì cũng nên có tờ giấy đăng kí kết hôn để yên tâm chung sống, không sợ pháp luật xử phạt. bây giờ thì bạn đã biết đi đăng kí kết hôn ở đâu, cần những gì, mất bao lâu chưa nào?