Những đám cưới ngày nay đã được tinh lược đi rất nhiều. Do đó, có những nghi lễ mà nhiều người có thể còn chưa từng nghe tên. Theo phong tục cưới hỏi miền Nam, có sáu loại nghi lễ chính, trong đó có lễ giáp lời và lễ nói. Vậy lễ giáp lời là gì? Lễ nói là gì, gồm những gì?
Tổng quan phong tục cưới hỏi miền Nam
Phong tục cưới hỏi miền Nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long thường áp dụng lục lễ (sáu lễ) trong cưới hỏi, nhất là ở những vùng nông thôn. Sáu lễ này lần lượt là lễ giáp lời, lễ thông gia, lễ cầu thân, lễ nói, lễ cưới và lễ phản bái. Chi tiết các lễ này lần lượt như sau:
Lễ giáp lời
Khác với ngày nay về việc định hôn nhân do sự tìm hiểu của cặp đôi, mà trước kia, việc này là do ông mai, bà mối điềm chỉ. Vì vậy, trước khi hai họ muốn kết thân thì cần trải qua ba lễ. Lễ đầu tiên tại giai đoạn tiền hôn nhân này là lễ giáp lời. Theo đó, tại lễ này, ông mai hoặc bà mai đại diện cho nhà trai sẽ tới nhà gái để bàn bạc, dò hỏi tuổi tác cặp đôi xem có hợp hay không. Nếu hai nhà ưng thuận, việc bàn lập hôn nhân cho các con sẽ được tiến hành ở lễ này.
Lễ thông gia
Lễ thông gia là lễ thứ hai của giai đoạn tiền hôn nhân. Sau khi ông mai hoặc bà mai đã hoàn thành nhiệm vụ của mình, nhà trai sẽ mời nhà gái tới nhà chơi. Đây là nghi thức giúp cho nhà gái biết được nhà cửa, nơi ăn chốn ở của nhà trai cũng như của con gái sau này. Đồng thời, nhà gái cũng sẽ nắm được về gia thế và phần nào điều kiện kinh tế của nhà trai qua việc thăm nhà.
Lễ cầu thân
Sau khi hai bên nhà đồng ý việc cưới hỏi của các con, nhà trai sẽ tiến hành đem cho hai mâm đồ. Vậy nên, lễ cầu thân còn có tên gọi khác là lễ cho đồ, lễ sơ vấn hay bỏ hàng rào thưa.
Lễ nói
Lễ nói hay còn gọi là lễ đính hôn, lễ đăng khoa. Khi họ nhà trai đến họ nhà gái, trưởng tộc hoặc ông thông lễ nhà trai sẽ trình nói, dâng các lễ cho nhà gái, mời nhà gái nhận lễ. Sau đó, các lễ nhỏ hơn trong lễ nói sẽ diễn ra theo trình tự, văn hóa của từng vùng. Lễ nói thông thường cũng gồm sáu lễ nhỏ. Tại lễ này người ta thường mặc các trang phục truyền thống như áo dài. Ngày nay thì cách tân hơn, nam giới có thể mặc vest.
Lễ cưới
Lễ cưới hay còn gọi là đám cưới thì có lẽ ai cũng đã biết và từng tham dự. Tại lễ này, nhà gái sẽ treo bảng “lễ vu quy”. Nhà trai sẽ tới nhà gái phát biểu, đón dâu. Trong lễ cưới tại hai nhà sẽ có các mâm cỗ mời cụ ông, cụ bà, họ hàng thân thích, bạn bè, đồng nghiệp ăn uống để chia vui. Thủ tục lễ cưới ngày nay cũng đã được tinh giản đi rất nhiều so với trước kia. Bên cạnh đó, tại các thành phố lớn thủ tục này càng được tinh giản khi hai nhà cùng tổ chức trong một nhà hàng tiệc cưới sang trọng.
Lễ phản bái
Lễ phản bái là nghi lễ được tổ chức sau đám cưới. Sau lễ rước dâu khoảng ba ngày, chú rể sẽ đem theo ít lễ và cùng cô dâu về nhà gái để cúng ông bà, tổ tiên. Nhiều khi, với những trường hợp đường xá xa xôi hoặc bận bịu công việc, họ nhà trai cũng xin phép nhà gái cho miễn lễ này.
Lễ giáp lời, lễ đi nói vợ gồm những gì?
Với từng loại lễ sẽ có từng “mâm đồ” khác nhau. Chi tiết về hai lễ giáp lời và lễ nói như sau:
Lễ giáp lời
Với lễ giáp lời, việc chuẩn bị đồ hầu như rất đơn giản. Bởi lúc này, ông mai hoặc bà mai mới chỉ thay mặt nhà trai qua hỏi chuyện nhà gái và đặt vấn đề cưới xin. Do đó, tại lễ này thậm chí hai nhà còn không cần chuẩn bị đồ gì cầu kỳ phức tạp. Nhà gái chỉ cần theo lễ tiếp khách, chuẩn bị trà bánh hay hoa quả mời ông mai, bà mai.
Lễ nói
Lễ nói có thể coi là một trong hai nghi lễ lớn nhất trong sáu lễ bên cạnh lễ cưới. Tại lễ này, hai bên nhà trai và nhà gái cần chuẩn bị vô cùng cầu kỳ các đồ vật cần thiết. Trước kia, sánh lễ tại lễ nói vô cùng cầu kỳ như một đôi đèn, một mâm trầu, bốn mâm quà, trang sức,… Ngoài ra, trang phục của cặp đôi cũng phải là kiểu truyền thống cho cả nam và nữ. Nhưng ngày nay, sính lễ đơn giản hơn, có những đám cưới chỉ có năm tráp đơn giản. Trang phục chú rể cũng được cải tiến tự chọn là vest hoặc áo dài đôi với cô dâu.
Trên đây là các thông tin về lễ giáp lời, lễ nói cũng như các lễ khác theo tục cưới hỏi truyền thống miền Nam. Miền Bắc ngày nay cũng có nhiều gia đình, dòng họ áp dụng những nghi lễ này. Đây là một nét văn hóa vô cùng đẹp của nhân dân ta, rất cần được kế thừa và truyền lại đời đời. Nhất là trong cuộc sống xô bồ, hiện đại ngày nay, các nghi lễ bị cắt giảm, việc cưới hỏi không còn nhiều ý nghĩa thiêng liêng với nhiều cặp đôi trẻ nữa.