Người Mông là một trong những dân tộc thiểu số có rất nhiều phong tục, tập quán đẹp trong đó phải kể đến những tục lệ về cưới xin. Nét độc lạ đặc sắc với phong tục đám cưới dân tộc Mông không chỉ thu hút sự quan tâm của các dân tộc anh em mà còn góp phần làm phong phú cho vẻ đẹp của nền văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Vài nét về người dân tộc Mông
Dân tộc Mông là một trong những dân tộc thiểu số có dân số đông ở miền Bắc nước ta, người Mông tập trung sinh sống chủ yếu ở các tỉnh như: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Lau Châu, Sơn La, Yên Bái và Điện Biện. Dân tộc Mông có 5 ngành chính đó là Mông Trắng, Mông Hoa, Mông Đen, Mông Đỏ và Mông Xanh.
Người dân tộc Mông rất coi trọng và tuân thủ luật tục của dòng họ, những người cùng họ là anh em không được lấy nhau. Họ thường sống quầy tụ theo dòng họ và huyết thống, cùng nhau làm ăn và dựa vào nhau trong cuộc sống mưu sinh. Gia đình trong dân tộc người Mông là gia đình kiểu phụ hệ, cô gái đã đi lấy chồng và bước vào cửa nhà chồng thì được coi là người thuộc dòng họ nhà chồng.
Trong cộng đồng 54 dân tộc anh em ở nước ta, dân tộc Mông được xem là dân tộc sở hữu nhiều nét văn hóa đặc sắc và phong phú, những nét đẹp này được lưu giữ qua nhiều thế hệ mà ít bị mai một. Điều này thể hiện người dân tộc Mông họ đặc biệt coi trọng đến việc bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc và sự đoàn kết cộng đồng.
Phong tục đám cưới của người Mông diễn ra như thế nào?
Trong các phong tục tập quán của người Mông thì phong tục cưới xin thường để lại dấu ấn đậm nét và mang tính truyền thống của người Mông nhiều hơn cả. Cũng giống như người Kinh, lễ cưới của người Mông thường được tổ chức vào ngày lành tháng tốt nhưng là những ngày trong mùa xuân. Bởi quan niệm của người dân nơi đây họ cho rằng mùa xuân là lúc thời tiết đẹp và tươi sáng nhất. Đồng thời là mùa của vạn vật sinh sôi, nảy nở và con người cũng không nằm ngoài quy luật đó. Họ thường kiêng cưới xin vào mùa hè, mùa thu bởi các mùa này thường hay có sấm sét và mưa bão.
Nét đẹp độc lạ đặc sắc với phong tục đám cưới dân tộc Mông thể hiện rõ nét qua các nghi lễ trong đám cưới như: dạm hỏi, ăn hỏi(hẹn cưới) và lễ đón dâu trong đó lễ đón dâu là một nghi lễ đặc biệt. Các nét đặc sắc trong phong tục đám cưới dân tộc Mông đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ điều này mang một ý nghĩa to lớn thể hiện sự gắn kết cộng đồng cũng như trong việc bảo tồn và giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.
>>> 2 đám cưới đi đường gặp nhau có điềm gì
Lễ dạm hỏi của người Mông
Khi chàng trai đem lòng yêu thương một cô gái, chàng trai sẽ về thưa chuyện với bố mẹ. Sau đó nhà trai sẽ tìm một ông mối(người có uy tín trong dòng họ) để giúp nhà trai sàng nhà gái làm lễ dạm hỏi.Về phía nhà gái cũng phải tìm một ông mối thông thuộc các bài hát nghi lễ cưới, hai ông mối sẽ có nhiệm vụ kết nối hai nhà để làm các thủ tục dạm hỏi và hẹn ngày đón dâu.
Trước kia, dân tộc Mông có tục “bắt vợ” rất phổ biến. Khi chàng trai Mông ưng một cô gái nào đó thì rủ bạn bè tổ chức đón đường để bắt cô gái đó về làm vợ mình. Cô gái khi bị bắt về dù có đồng ý hay không cũng được nhà trai “dùng gà trống đánh dấu nhập nhà” để buộc phải lấy chàng trai.
Đến nay, mặc dù tục “bắt vợ” này vẫn còn xảy ra nhưng đã khác hẳn về tính chất do có sự thỏa thuận từ cả 2 phía chàng trai và cô gái. Tục này thường xảy ra khi đôi trai gái yêu nhau nhưng vấp phải sự phản đối của gia đình, khi đó tục “bắt vợ” này sẽ diễn ra để đặt gia đình hai bên vào một “sự đã rồi”.
Lễ ăn hỏi của người Mông
Lễ ăn hỏi của người dân tộc Mông thì phía nhà trai sẽ phải chuẩn bị các lễ vật như rượu, gà, xôi, thuốc lá… và khi đến nhà gái ông mối cần phải mang theo một chiếc ô. Đến trước cửa nhà gái, ông mối sẽ hát một bài ý nói rằng nhà trai giao cho tôi trọng trách đến hỏi con gái của gia đình về làm dâu con trong nhà và đề nghị gia đình mở cửa.
Sau khi nhà gái mở cửa ra, ông mối cầm chiếc ô mang theo treo lên trước cửa chính của ngôi nhà. Khi ông mối thưa chuyện, nếu nhà gái đồng ý thì họ sẽ lấy một chiếc ghế dài hướng ra cửa và đặt trên đó 4 chén rượu, 1 một chiếc ô và mời nhà trai uống hết 4 chén rượu đó. Nếu nhà gái không đồng ý thì nhà trai sẽ phải tiếp tục đến khi nào nhà gái đồng ý mới thôi. Và dù nhà gái có đồng ý hay không thì họ cũng phải giữ nhà trai ở lại nhà mình trong 2- 3 ngày mới cho về.
Khi nhà trai uống hết 4 chén rượu xong thì họ sẽ rót rượu mời lại nhà gái. Sau khi nhà gái uống hết, ông mối của nhà trai sẽ xoay ngang chiếc ghế lại để khẳng định là nhà gái đã gả con gái cho gia đình mình. Tiếp đến, chàng trai phải vái lạy tổ tiên, bố mẹ và anh em trong gia đình cô gái. Xong xuôi, hai bên gia đình sẽ tiếp tục uống rượu và bàn bạc để chọn ngày lành tháng tốt để tổ chức lễ cưới.
Lễ đón dâu
Vào ngày lành tháng tốt đã được 2 bên gia đình ấn định từ trước, lễ đón dâu sẽ được diễn ra. Cô dâu và chú rể sẽ mặc trên người những bộ quần áo mới và đẹp nhất.
Tại nhà trai, họ hàng sẽ tề tựu đông đủ và chuẩn bị các lễ vật mang sang nhà gái để đón dâu, các lễ vật này bao gồm có thịt lợn, thịt gà, tiền mặt, thuốc lào, cơm xôi, rượu ngô, túi vải và ô đen. Gia đình nhà trai sẽ nhờ ông mối là đại diện đoàn(đoàn đón dâu sẽ bao gồm từ 6- 9 người, bố mẹ chú rể không được đi đón con dâu).
Trước khi sang nhà gái, trưởng họ sẽ kiểm tra kỹ càng các lễ vật, bàn giao lễ vật cho ông mối và phân việc cho từng người trong dòng họ. Sau đó ông mối sẽ hát bài “Xin chiếc ô đen” và túi vải từ trưởng họ rồi dẫn đoàn lên đường.
Đến nhà gái, khi được nhà gái mời vào nhà ông mối bên nhà trai sẽ thực hiện nghi thức truyền thống, hát bài “Xin bàn ghế” và trao ô, túi vải và đồ lễ đã được chuẩn theo yêu cầu của nhà gái cho nhà gái. Sau đó xin phép cho phù dâu vào trong buồng dẫn cô dâu ra chờ chú rể. Sau khi nhận dâu, chú rể, phù rể và ông mối phải cúi lạy tổ tiên nhà gái, thực hiện các nghi thức tạ ơn, cuối cùng nhận lễ vật của nhà gái rồi ra về.
Đoàn rước dâu phải đi khắp bản làng để mọi người cùng chứng kiến. Trên đường đi, đoàn rước dâu phải dừng lại giữa đường rồi bày đồ ăn thức uống ra để ông mối làm lễ mời và tạ ơn các vị thần linh.
Khi về đến nhà trai, đoàn phải dừng trước cửa để bố chú rể đón cặp vợ chồng. Trên tay bố chú rể cầm sẵn một con gà trống để làm phép xua đuổi những điều đen đủi và đón nhận những điều tốt lành, may mắn đồng thời làm lễ gia nhập cho cô dâu mới.
Vào trong nhà, ông mối sẽ trao cô dâu cho nhà trai và báo cáo việc đưa đoàn dẫn dâu thành công. Trưởng họ nhà trai sẽ mời tất cả họ hàng, gia đình nhà gái và mọi người trong bản ở lại phá cỗ, uống rượu mừng hạnh phúc cho cô dâu và chú rể.
Trên đây là bài viết về nét đẹp độc lạ đặc sắc với phong tục đám cưới dân tộc Mông, mong rằng với những thông tin này sẽ giúp bạn lĩnh hội thêm các kiến thức bổ ích về nền văn hóa của người dân nơi đây. Cảm ơn bạn đã quan tâm và theo dõi bài viết của chúng tôi.
Có thể bạn quan tâm: