Cũng giống như các dân tộc anh em khác, người dân tộc Tày rất coi trọng đến chuyện dựng vợ và gả chồng cho con cái. Vậy đám cưới dân tộc Tày diễn ra như thế nào? Mời các bạn hãy cùng ninistore.vn khám phá lễ đám cưới dân tộc Tày Lạng Sơn ngay trong bài viết dưới đây nhé.
Đám cưới người Tày Lạng Sơn diễn ra như thế nào?
Dân tộc Tày sinh sống chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta, từ bao đời nay người Tày luôn lưu giữ những truyền thống văn hóa vô cùng đặc sắc và độc đáo trong đó có tục cưới xin. Trong cuộc sống hiện đại ngày này, những nghi thức, nghi lễ trong đám cưới của người Tày mặc dù đã có nhiều thay đổi thế nhưng lễ cưới của người Tày Lạng Sơn vẫn lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống đặc trưng và mang đậm đà bản sắc dân tộc.
Người Tày quan niệm rằng đám cưới diễn ra không chỉ là việc kết duyên cho đôi trai gái mà còn mang một ý nghĩa lớn hơn đó là truyền thống đạo lý của dân tộc, giáo dục về tình nghĩa vợ chồng trong các mối quan hệ gia đình và dòng tộc. Từ đó góp phần gắn kết cộng đồng các dân tộc người Tày nói riêng và các dân tộc anh em nói chung đồng thời lưu giữ và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc lâu đời.
Nếu như trước đây, các nghi lễ và thủ tục cưới xin của người Tày khá rườm rà và phức tạp phải trải qua 6 bước đó là: lễ dạm hỏi, so lá số, mừng hợp số, ăn hỏi, sêu tết và cưới. Ở hiện nay, các nghi thức trong đám cưới đã được giản lược hơn rất nhiều, dù đám cưới có tổ chức với quy mô lớn hay nhỏ như thế nào thì đám cưới của người dân tộc Tày ở Lạng Sơn chủ yếu tiến hành qua 3 bước: lễ dạm ngõ, lễ ăn hỏi và lễ cưới.
Lễ dạm ngõ trong đám cưới của người Tày
Khi đôi trai gái tự do tìm hiểu, yêu thương nhau và quyết định tiến tới hôn nhân thì sẽ về thưa chuyện với bố mẹ 2 bên. Lễ dạm ngõ sẽ là dịp để cha mẹ, đại diện họ hàng của cặp đôi trai gái gặp mặt nhau. Tại lễ này, phía bên nhà trai sẽ đến phía nhà gái để gặp gỡ mang theo một đôi gà trống thiến, gạo nếp cùng một gánh lễ vật để thưa chuyện và xin phép để đặt mối quan hệ cho hai bên gia đình.
Hiện nay, nếu 2 gia đình ở xa nhau về địa lý và việc đi lại gặp nhiều khó khăn thì lễ dạm ngõ sẽ được 2 bên gia đình bỏ qua và không thực hiện nữa. Thay vào đó sẽ tiến hành làm lễ ăn hỏi luôn.
Lễ ăn hỏi của người Tày
Lễ ăn hỏi hay còn gọi là lễ nhận thông gia, lễ ăn hỏi sẽ diễn ra sau khi nhà trai đến nhà gái nói chuyện và mang lễ vật đến nhà gái để xin ăn hỏi. Nhà trai sẽ cử một người trong họ như bác hoặc chú bên bố chú rể để làm trưởng đoàn và chú hoặc bác bên mẹ chàng trai làm phó đoàn.
Lễ vật ăn hỏi mang sang nhà gái sẽ bao gồm bánh chưng, bánh giày, rượu, 12 con gà hoặc một con lợn khoảng 40- 50 kg. Trong lễ ăn hỏi này, 2 bên gia đình sẽ thống nhất về ngày lành tháng tốt để tiến hành tổ chức đám cưới đồng thời 2 bên xin phép được qua lại nhà nhau như người nhà trong những ngày lễ tết hoặc có công việc lớn.
Lễ cưới của người Tày Lạng Sơn
Lễ cưới chính thức của người Tày ở Lạng Sơn được tổ chức trong hai ngày, nhà gái tổ chức hôm trước còn nhà trai tổ chức hôm sau. Nhà trai phải có trách nhiệm lo lễ vật thách cưới cũng như toàn bộ đồ ăn cho khách mời của nhà gái trong ngày cưới như: lợn, gà, xôi, bánh, gạo, rượu… Trước đây, lễ vật thách cưới thường là bạc trắng nhưng nay thách cưới được quy đổi ra bằng tiền để sắm đồ cưới. Có một điểm khác biệt rất lớn so với trước kia đó là nhà gái không còn đòi hỏi nhà trai quá nặng nề về vật chất trong tục thách cưới nữa.
Cô dâu khi về nhà chồng phải chuẩn bị cho ông bà nội, ngoại, bố mẹ chồng, cô dì chú bác bên nhà chồng mỗi gia đình một đôi gối và một cái chăn bông. Nếu ai chưa có gia đình thì sẽ được cô dâu tặng một cái chăn và một cái gối. Ngoài ra, cô dâu phải tự chuẩn đầy đủ cho mình mọi dụng cụ để phục vụ sinh hoạt và lao động sản xuất để mang theo về nhà chồng.
Trước khi đi đón dâu, nhà trai phải làm lễ cúng tổ tiên và khi đi đón dâu nhà trai cũng sẽ cử một trong họ làm trưởng đoàn. Đi đến chân cầu thang nhà gái, người đại diện nhà trai xin phép để lên nhà nói chuyện xin dâu. Và khi ăn cơm ở nhà gái, 2 người lớn tuổi đại diện nhà trai cùng chú rể phải đi mời cơm lần lược các quan khách bên nhà gái. Cuối cùng khi đoàn nhà trai xin dâu về, cô dâu và chú rể phải lạy ông bà, bố mẹ, anh chị… bên nhà gái mỗi người 3 lạy.
Khi cô dâu ra khỏi nhà để về nhà chồng, tay cô dâu phải cầm nón và thẻ hương để lúc bước xuống cầu thang, cô dâu đội nón lên đầu và đến chân cầu thang thăm 1 thẻ hương. Lúc ra đến cổng nhà lại cắm một thẻ hương ở cổng.
Về đến nhà trai, cô dâu và chú rể làm lễ báo cáo trước bàn thờ tổ tiên. Uống chén rượu thề chung thủy trăm năm rồi mới được đưa đón vào buồng hạnh phúc.
Trên đây là bài viết khám phá lễ đám cưới dân tộc Tày Lạng Sơn, hi vọng rằng với những thông tin trên đây sẽ giúp cho nhiều bạn hiểu thêm về một số nghi thức và phong tục trong đám cưới của người Tày. Trong xu thế phát triển của xã hội hiện nay, những nét văn hóa độc đáo này cần được lưu giữ để không bị mai một cũng như để cho các thế mai sau tự hào hơn về nền văn hóa của dân tộc mình.
Thông tin tham khảo dành cho bạn: