Hoa cưới là vật không thể thiếu trong lễ cưới của cô dâu và chú rể, tuy nhiên trong đám hỏi cô dâu có cầm hoa tay không? Đây là câu hỏi mà khá nhiều cặp đôi quan tâm và đặt ra. Vậy hãy cùng ninistore tìm hiểu về vấn đề này ngay trong bài viết dưới đây nhé.

Hoa cầm tay cô dâu trong đám hỏi có cần không?

Từ xa xưa, theo quan niệm cũ của người Việt thì việc cô dâu cầm hoa tay hai lần là điều kiêng kỵ nên trong đám hỏi cô dâu không được cầm hoa cưới, hoa cưới chỉ được cô dâu cầm trong ngày cưới mà thôi. Tuy nhiên, đi theo sự phát triển của nền văn hóa- kinh tế, nhiều phong tục và quy củ xưa kia đã được thay đổi khá nhiều. Và quan niệm đó đã không còn là vấn đề mà nhiều cô dâu e ngại nữa.

Nhiều cô dâu ngày nay cho rằng để tránh sự đơn điệu và tạo điểm nhất cho bộ áo dài trong ngày ăn hỏi, các cô dâu thường tự làm cho mình một bó hoa cưới để cầm tay. Tuy nhiên, các cô dâu cần phải chú ý nếu sử dụng hoa cầm tay trong đám hỏi, bó hoa này không nên quá rườm rà để tránh sự vướng víu. Đặc biệt, bó hoa cầm tay trong đám hỏi cũng không quá nổi bật so với bó hoa cưới cầm tay trong lễ cưới.

Bạn hãy nên chọn bó hoa cưới thật đơn giản và màu sắc nhẹ nhàng. Và bó hoa cưới trong đám hỏi này bạn cần phải tự đặt hoặc tự tay thiết kế cho mình một bó hoa cưới theo sở thích và phong cách của riêng mình. Bởi theo phong tục cưới xin của người Việt, bó hoa cưới mà chú rể mang tới tặng cho cô dâu chỉ để dành cho ngày tổ chức lễ cưới mà thôi.

Tuy nhiên, thay vì suy nghĩ tới việc cầm hoa cưới trong đám hỏi bạn hãy nắm chặt tay chú rể của mình để thể hiện tình yêu thương của cả hai, chỉ cần như vậy thôi đã khiến bạn trông thật hạnh phúc và xinh đẹp trong mắt mọi người rồi đấy.

Đám hỏi có cần hoa cài áo không?

Hoa cài áo là một phụ kiện không thể thiếu trong đám cưới. Với chú rể, một bông hoa đơn giản cài trên vạt áo là dấu hiệu đầy ý nghĩa, đánh dấu khoảnh khắc thiêng liêng nhất cuộc đời khi khoác lên mình bộ vest cưới. Việc cài hoa trên áo sẽ tăng nên vẻ đẹp và sự cuốn hút cho chú rể đồng thời tạo ra sự chú ý và ấn tượng riêng biệt đối với các quan khách trong ngày lễ trọng đại này.

Vậy trong đám hỏi có cần hoa cài áo không? Đối với chú rể, việc cài hoa trên áo trong ngày này thực sự là không cần thiết bởi lễ ăn hỏi(lễ đính hôn) được xem là ngày gặp gỡ thân mật và ấm cúng giữa hai bên gia đình. Nhà trai mang lễ vật sang nhà gái để nói chuyện và bàn về chuyện cưới hỏi chính thức của đôi trẻ.

Còn đối với cô dâu, thay vì dùng hoa cầm tay các nàng có thể sử dụng hoa làm vòng đội đầu, vòng đeo tay hoặc cài trên áo dài để tăng thêm phần xinh đẹp và duyên dáng của bản thân. Giảm bớt sự trống trải mà còn tránh được những điều kiêng kỵ theo các quan niệm xưa kia.

Đám hỏi cô dâu có cầm hoa tay không?
Đám hỏi cô dâu có cầm hoa tay không?

Đám hỏi có quan trọng không?

Theo phong tục cưới hỏi truyền thống, đám hỏi là một nghi thức mang nhiều ý nghĩa. Là lễ thông báo chính thức cũng như thừa nhận chính thức về mối quan hệ vợ chồng của đôi bạn trẻ, cô gái sẽ trở thành vợ sắp cưới của chàng trai và chàng trai sẽ trở thành chồng sắp cưới của cô gái.

Đám hỏi thường được diễn ra trước khi lễ cưới được tổ chức, lễ này sẽ được tiến hành khi cả nhà trai và nhà gái đều đã đồng ý hôn sự cho hai con. Trong ngày này, phía nhà trai sẽ mang sính lễ như trầu cau, rượu thuốc, ngũ quả, bánh trái… sang nhà gái để hỏi cưới. Đồng thời là dịp để hai bên gia đình gặp mặt thân mật và bàn chuyện cưới xin chính thức của đôi trẻ. Do đó có thể nói đám hỏi là một nghi thức vô cùng quan trọng, dù trong đám cưới truyền thống hay hiện đại đi chăng nữa.

Thế nhưng, một số gia đình vì điều kiện địa lý và khoảng cách hai gia đình khá xa nên việc tổ chức đám hỏi gặp nhiều khó khăn. Thay vì phải đi lại mất thời gian, hai gia đình bàn bạc và thống nhất gộp lễ ăn hỏi và đám cưới vào một ngày. Các nghi thức và sính lễ cho đám hỏi vẫn được nhà trai chuẩn bị chu đáo để ngày vui diễn ra được trọn vẹn và ý nghĩa.

Các bước thực hiện trong một đám hỏi

Chuẩn bị trước đám hỏi

Thông thường, nhà trai nhà gái sẽ bàn bạc và thống nhất với nhau về số lễ vật, số tráp, lễ thách cưới… trước khi lễ ăn hỏi diễn ra. Tùy vào số lượng tráp và lễ vật mà nhà trai phải chuẩn bị đội nam thanh niên ưu tú để bê lễ và nhà gái phải chuẩn bị đội nữ có số lượng tương ứng để đỡ tráp.

Nhà trai sẽ đi xem để chọn ra một ngày lành, giờ tốt để làm lễ ăn hỏi tại nhà gái. Nhà trai phái tính toán thời gian di chuyển giữa 2 bên gia đình sao cho hợp lý để bước vào nhà gái theo đúng giờ đã định.

Hai gia đình chào hỏi nhau và trao lễ vật

Đến giờ lành, hai bên gia đình sẽ chào hỏi nhau. Và đoàn bên tráp nhà trai sẽ trao lễ cho đội bên tráp bên nhà gái để đỡ mâm quả vào nhà. Hai đội bê tráp sẽ trao phong bao lì xì và trả duyên cho nhau.

Mời nước và trò chuyện

Hai gia đình sẽ cùng ngồi uống nước và trò chuyện thân mật. Phía đại diện nhà trai sẽ phát biểu lý do và giới thiệu các đại diện của gia đình mình có mặt trong buổi lễ cùng các mâm quả mà nhà trai mang đến. Phía nhà gái cũng lần lượt giới thiệu các đại diện của gia đình. Gửi lời cám ơn và chấp nhận tráp ăn hỏi của nhà trai.

Cô dâu ra mắt hai gia đình

Khi hai gia đình gặp gỡ và trao lễ vật, cô dâu phải ngồi trong phòng và chưa được xuất hiện. Sau khi được sự cho phép, chú rể vào phòng đón cô dâu ra chào gia đình nhà trai. Lúc này, cô dâu và chú rể cùng chào hỏi hai bên gia đình và rót nước mời các thành viên 2 gia đình.

Thắp hương cúng tổ tiên nhà gái

Sau khi cô dâu ra mắt, mẹ cô dâu sẽ lấy từ mâm quả mà nhà trai mang đến một số thứ để đặt lên ban thờ thắp hương cúng ông bà, tổ tiên. Sau đó, cô dâu và chú rể sẽ thắp hương trên ban thờ nhà gái để bày tỏ lòng biết ơn và nhớ về cội nguồn.

Hai gia đình bàn bạc về lễ cưới

Hai bên gia đình vừa ăn bánh, uống trà và bàn bạc với nhau về ngày, giờ tổ chức lễ cưới của đôi trẻ. Việc quyết định ngày giờ diễn ra lễ cưới cũng do phía nhà trai chuẩn bị và xem xét trước. Và trong lễ ăn hỏi, phía nhà trai sẽ đưa ra để cùng bàn bạc với nhà gái để đi tới thống nhất cuối cùng.

Nhà gái lại lễ vật cho nhà trai

Bên nhà gái sẽ lấy ra một ít lễ vật mà nhà trai mang đến để đưa lại cho nhà trai làm lễ lại mặt. Sau khi nhà gái đưa lễ lại mặt xong, nhà trai sẽ xin phép ra về. Hoặc ở một gia đình, nhà gái có thể mời nhà trai ở lại để dùng bữa cơm thân mật để thể hiện sự tình cảm và chân thành của gia đình.

Hi vọng thông qua bài viết trên đây đã giúp giải đáp thắc mắc của nhiều cặp đôi về việc đám hỏi cô dâu có cầm hoa tay không. Ninistore mong rằng với những chia sẻ trên đây sẽ giúp các bạn có một lễ ăn hỏi diễn ra thật trọn vẹn và ý nghĩa nhé.

Xem thêm:

CÁCH VIẾT THIỆP CƯỚI CHO NGƯỜI CÓ GIA ĐÌNH

VÀNG, TIỀN MỪNG ĐÁM CƯỚI AI GIỮ, CHIA NHƯ THẾ NÀO ?

3 VIỆC CẦN CHUẨN BỊ LỄ DẠM NGÕ MIỀN BẮC