Mùa cưới là từ để gọi một thời điểm tập trung nhiều lễ cưới, là những khoảng thời gian mà nhiều người tổ chức lễ cưới. Tuy nhiên, rất nhiều người vẫn chưa biết mùa cưới là mùa nào, tháng mấy trong năm. Trong bài viết sau đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về chủ đề này nhé!

Mùa cưới theo quan niệm cũ

Ngày xưa, mùa cưới thường bắt đầu vào mùa thu và kéo dài đến hết mùa xuân năm sau, nghĩa là từ tháng 8 âm lịch đến hết tháng hai năm sau. Nói như vậy không có nghĩa là các tháng khác trong năm không được tổ chức đám cưới, mà là đa số các đám cưới được tổ chức tập trung vào thời điểm đó, nên mới gọi là mùa cưới.

mua-cuoi-la-mua-nao-thang-may
Mùa cưới là mùa nào, tháng mấy trong năm?

Nước Việt Nam là nước nông nghiệp, nên chuyện gì cũng phải dựa vào mùa lúa, mùa thóc. Ông bà ta quan niệm mùa cưới sẽ bắt đầu khi mùa gặt kết thúc, nghĩa là khoảng giữa cuối năm, thường rơi vào tháng 8 âm lịch. Lúc đó thóc lúa đầy nhà, ai ai cũng thảnh thơi nên sẽ tính chuyện cưới hỏi cho con, cũng là để cuối năm thêm người, sẽ mang lại ấm no, hạnh phúc cho cả gia đình. Hơn nữa lúc này thời tiết vào thu mát mẻ, và nhà ai cũng no đủ, dư giả nên sẽ có nhiều thời gian hơn.

Mùa cưới trong thời đại hiện nay

Theo thời gian người ta đã không còn một khái niệm cụ thể về mùa cưới nữa, nghĩa là không xác định chính xác mùa nào là mùa cưới, tháng mấy là mùa cưới nữa.

Không kể là mùa nắng hay mùa mưa, mùa đông hay mùa hè, tháng giêng hay tháng mười,… miễn là người ta coi được ngày đẹp là tổ chức cưới thôi. Có khi cũng không nhất thiết là ngày đẹp nữa, đến lúc cưới thì phải cưới. Nói chung lễ cưới vẫn diễn ra quanh năm tại tất cả các địa phương không kể mưa nắng.

Tuy nhiên, cao điểm nhất thì các lễ cưới vẫn diễn ra nhiều vào tháng 8, tháng 9 âm lịch trong năm, bởi lẽ tháng này mát mẻ, thời tiết dễ chịu. Các cặp đôi sẽ có được những bộ ảnh cưới lung linh nhất. Vào những tháng này, tại các nhà hàng sẽ thường xuyên có các tiệc cưới, do đó thường phải đặt lịch trước cả hai ba tháng nếu bạn có tổ chức đám cưới tại nhà hàng.

Có phải con người hiện đại không tôn trọng truyền thống không?

Thật ra mùa cưới ngày xưa là do những yếu tố khách quan đã tạo nên một thông lệ như vậy, người ta dựa vào kinh tế là chủ yếu. Khi mọi công việc đồng áng, kinh tế ổn định xong xuôi thì mới rảnh rang để tổ chức đám cưới.

Còn ngày nay đời sống phát triển hơn, các đám cưới vẫn diễn ra quanh năm miễn sao thuận tiện cho hai bên gia đình, không nhất thiết phải vào thời điểm mùa cưới. Hơn nữa, khái niệm mùa cưới là do các lễ cưới tập trung nhiều chứ không phải là quy định, không thuộc về nét truyền thống nên không thể gọi là phá vỡ truyền thống.

Cưới vào thời điểm nào không quan trọng, quan trọng là các cặp đôi, kể cả hai bên gia đình, phải thực hiện đầy đủ các nghi thức của lễ cưới truyền thống là được. Mà quan trọng nhất vẫn là hạnh phúc lứa đôi được bền vững.

Một số điều thú vị về lễ cưới ở Việt Nam

Có thể bạn không biết điều này, chỉ riêng ở Việt Nam thôi quan niệm về mùa cưới cũng khác nhau. Cùng điểm qua một số điều thú vị về vấn đề này nhé!

Nếu như ở miền Tây Nam Bộ đa số các lễ cưới được tổ chức vào tháng giêng, đặc biệt là sau tết nguyên đán thì tại một số nơi ở miền Trung lại xem đây là cấm kỵ. Người dân ở đây cho rằng tháng giêng thì không nên tổ chức đám cưới, tháng nào cũng được, nhưng không phải là tháng giêng. Điều này được lý giải là do tháng giêng là tháng khởi đầu của một năm, mọi chuyện còn chưa đâu vào đâu, công việc rất nhiều, nào là đồng áng, nào là biển cả,…

Ngày nay đám cưới thường được tổ chức nhiều vào các ngày thứ bảy, chủ nhật để tạo điều kiện cho quan khách đến tham dự đầy đủ hơn. Cũng vì lý do này mà bạn sẽ thấy vào các ngày cuối tuần tại các nhà hàng tiệc cưới khá đông đúc. Và cũng vì lý do này mà người ta thường tổ chức tiệc không phải coi ngày tốt lành nữa, ngày này cũng khác với ngày đưa rước dâu.

Lễ cưới thường không được tổ chức vào tháng bảy âm lịch. Nguyên nhân xuất phát từ truyền thuyết về Ngưu Lang – Chức Nữ, là tháng mưa ngâu, gắn liền với một chuyện tình buồn, là sự chia ly tan tác nên người xưa cũng tin vào câu chuyện đó và không tổ chức đám cưới cho con cháu mình vào tháng này. Đồng thời tháng bảy cũng được xem là tháng cô hồn, không phải tháng tốt đẹp để tổ chức hỷ sự.

Ngày xưa lễ cưới khá đơn giản nhưng cũng rất rườm rà. Đơn giản về trang phục, về món ăn. Cô dâu chú rể không đi chụp ảnh ngoại cảnh, không có thiệp mời đầy màu sắc như ngày nay mà lúc đó mời cưới bằng một chai rượu, tới nhà ai thì rót rượu và nói chuyện mời cưới, thông báo ngày giờ cho khách mời. Sau này tiến bộ hơn thì có giấy mời viết tay, hoặc giấy mời in sẵn trắng đen.

Rườm rà về nghi lễ, về thủ tục. Nhưng đây lại là nét truyền thống đẹp của văn hóa cưới xin của Việt Nam. Các đám cưới đòi hỏi phải có đầy đủ các nghi thức như đưa rước dâu, bái lạy gia tiên ông bà,…

Như vậy, mùa cưới là mùa nào, tháng mấy trong năm? Chắc chắn bạn đã tìm được câu trả lời qua bài viết trên. Hãy lên kế hoạch chu đáo cho lễ cưới của mình bạn nhé!