Phong tục lễ cưới hỏi của mỗi vùng miền không hoàn toàn giống nhau nhưng ở đâu cũng không thể thiếu đội hình bưng quả. Nhiều nơi gọi những người này là đội bê tráp, đỡ tráp,… thì cũng cùng một ý nghĩa như vậy. Thường đội bưng quả sẽ được trao tặng các bì lì xì tượng trưng. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về cách lì xì cho người bưng quả cũng như những điều thú vị liên quan đến tục lệ này.

Vì sao phải lì xì cho người bưng quả?

Trong lễ cưới, hỏi, mọi người tất nhiên tập trung nhiều nhất vào cặp đôi hạnh phúc nhất. Tuy nhiên bên cạnh cô dâu, chú rể thì đội hình bưng quả cũng rất hút ánh nhìn của quan viên hai họ và khách quý của bữa tiệc. Tùy theo mỗi địa phương mà số thành viên tham gia bê tráp có thể từ 6 – 10 người chia thành hai bên, là nhà gái và nhà trai.

Thông thường, gia đình hai bên hoặc cô dâu, chú rể sẽ lựa chọn những nam thanh, nữ tú để đứng vào đội hình này. Nhưng không nhất thiết phải là đẹp mới được chọn, mà đó thường là những người bạn thân thiết hay anh em quen thuộc của đôi uyên ương trong ngày cưới. Những thành viên này được cho diện trang phục đồng bộ và đẹp mắt, tôn lên được màu sắc và tinh thần của một ngày thành hôn trọng đại.

Giữa không gian được bày biện chỉnh chu, tươm tất, những con người trẻ trung, ăn mặc nổi bật nhưng vô cùng đằm thắm sẽ đóng vai trò quan trọng. Họ bưng bê các tráp đựng mâm quả để phục vụ cho nghi thức không thể thiếu của mọi lễ cưới. Các cặp đôi uyên ương đứng chính, nổi bật lên giữa dàn bưng tráp đứng đều hai bên.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trao quả, tất cả mọi người trong dàn bưng quả đều được tặng cho phong bao lì xì trong niềm hân hoan, vui vẻ. Nhưng bạn có biết vì sao lại phải lì xì cho họ?

Quan niệm dân gian từ lâu của người dân Việt Nam cho rằng, khi đi bưng quả cho cô dâu, chú rể là lúc những người trong đội hình này đang “bán duyên” của chính họ. Mà họ đều là các thanh niên nam nữ chưa có gia đình, nên việc đó lại càng nhạy cảm. Thậm chí có nhiều bậc phụ huynh không thích con mình tham gia đội bưng quả vì sợ “mất duyên”.

Bởi vậy mà trao bì lì xì cũng là một hình thức tượng trưng để “đền duyên” lại cho các bạn trẻ với hi vọng họ sẽ thuận lợi trong đường tình cảm, mau sớm lấy được vợ, được chồng. Tuy đơn giản nhưng việc trao phong bao lì lì may mắn này lại chứa đựng một ý nghĩa lớn như vậy đấy. Đây cũng là một nét đẹp văn hóa nhân văn sâu sắc của người Việt Nam ta.

Cách tiến hành trao tiền lì xì cho người bưng quả

Phổ biến nhất về phong tục trao tiền phong bao lì xì là hai bên gia đình chuẩn bị số tiền nhất định trong mỗi phong bì, sau đó giao cho hai đội bê tráp trao cho nhau. Việc này được thực hiện ngay sau phần trao sính lễ vô cùng quan trọng của lễ cưới. Vì là bên bưng quả của nhà trai lì xì cho bên bưng quả của nhà gái và ngược lại nên tục này còn được gọi với cái tên dễ thương là nghi lễ trao duyên.

cach-li-xi-cho-nguoi-bung-qua
Cách lì xì cho người bưng quả

Hai đội tráp đứng thành 2 hàng dọc đều đặn, thật đẹp mắt. Các cô nàng và anh chàng lịch lãm cười tươi trao phong bì lì xì cho nhau. Những hình ảnh này vô cùng ấn tượng và là một trong những điểm nhấn đặc biệt suốt quá trình diễn ra lễ cưới. Không khí vừa trang nghiêm nhưng cũng vừa ấm cúng và thân thiện.

Cũng có nhiều nơi tiền lì xì không được trao qua lại giữa hai đội nhà trai, nhà gái. Thay vào đó là sau buổi tiệc thì người nhà của cô dâu, chú rể sẽ tự tay trao cho từng người bên đội của mình. Đôi khi có trường hợp gia đình bận rộn nhiều thứ do phải lo toan cho tiệc cưới, thành ra việc trao bì lì xì phải để đến cuối ngày. Dù là bằng cách nào thì đây cũng là một nghi lễ đẹp và được thực hiện trong không khí vui tươi, tràn ngập tiếng cười cùng lời chúc tụng.

Số tiền lì xì tuy không nhiều nhưng đó là lời cảm ơn của cô dâu, chú rể gửi đến những người anh em, bạn bè thân thiết của mình. Bên cạnh đó trao bì lì xì cũng như trao lời chúc phúc đến đội bưng tráp, mong các bạn sớm tìm được nhân duyên, hạnh phúc như chính đôi tân lang và tân giai nhân trong ngày đám cưới.

Mỗi người bưng quả được lì lì bao nhiêu tiền?

Giá trị trong mỗi chiếc phong bì xinh xinh chỉ mang ý nghĩa tượng trưng chứ không nhiều. Nếu phong tục tại địa phương là hai đội tráp trao duyên cho nhau thì số tiền mừng lì xì được bàn bạc, thỏa thuận thống nhất giữa nhà trai và nhà gái. Tất nhiên mỗi người đều nhận được số tiền bằng nhau. Còn nếu mỗi gia đình tự trao bì lì xì cho đội tráp bên nhà mình sau khi buổi tiệc cưới kết thúc thì tiền này do người nhà mỗi bên tự quyết định.

Tùy theo điều kiện và sự hào phóng của gia chủ mà đội hình bưng quả nhận được phong bì lì xì chứa bao nhiêu tiền. Nhưng hầu hết mọi người đều vui vẻ dù không cần biết bên trong đó là số tiền ít hay nhiều. Quan trọng là ai nấy cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình và được “giữ duyên” theo quan niệm dân gian. Có thể mỗi phong bao chỉ có 100.000đ hay nhiều đến 1.000.000đ, nhưng chẳng ai đặt nặng vấn đề này bao giờ.

Phong bao lì xì đỏ thắm cũng thể hiện niềm vui, lòng biết ơn của gia đình hai bên gửi đến các thành viên nhiệt tình trong đội bưng quả. Để giữ lại một tập tục đáng yêu cho các thế hệ mai sau thì các lễ cưới đều nên kế thừa nghi thức trao duyên này. Bằng những cách lì xì cho người bưng quả nào thì đây cũng là điều đáng được trân trọng và phát huy. Bạn hay gia đình, người thân đang tất bật chuẩn bị cho ngày trọng đại nhất đời? Đừng quên “thủ tục” truyền thống này nhé.