Nếu như ở miền Bắc các đám cưới thường sử dụng số lẻ, thì miền Nam thường sử dụng sáu mâm quả trong đám hỏi. Bởi số sáu là con số may mắn, tài lộc. Vậy chi tiết sáu mâm quả đám cưới miền Nam gồm những gì? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về từng mâm qua bài viết bên dưới nhé!

Mâm quả một: Trầu cau

Mâm quả trầu cau là một phần không thể thiếu ở các lễ ăn hỏi mọi miền chứ không chỉ ở miền Nam. Theo quan niệm của người miền Nam, mâm trầu cau chính là sự thưa hỏi chính thức của bên nhà trai với nhà gái. Đây là sính lễ quan trọng số một trong đám hỏi. Tại miền Nam, nhà trai thường chuẩn bị số cau lẻ và mỗi quả cau sẽ ứng với hai lá trầu. Thông thường, con số 105 quả cau và 210 lá trầu thường được dùng nhiều nhất. Các con số này mang ý nghĩa như một lời chúc trăm năm hạnh phúc.

Mâm quả hai: Trà, rượu và nến

Mâm trà, rượu và nến là một phần quan trọng không thể thiếu thể hiện sự tôn kính của con cháu với gia tiên theo nghi lễ của người miền Nam. Với người miền Bắc, mâm quả này sẽ chỉ có trà và rượu. Trà, rượu, đôi khi có thêm cả thuốc lá, chính là lời mời của con cháu tới tổ tiên, xin gia tiên về chứng giám và chúc phúc cho đôi trẻ. Rượu được dùng để biểu tượng cho cuộc sống hôn nhân của đôi trẻ, sẽ có nhiều khó khăn nhưng lại vô cùng nồng nàn, đằm thắm.

Ngoài trà và rượu, trên mâm này nhà trai sẽ chuẩn bị thêm một cặp nến khắc long phụng. Khi lễ ăn hỏi diễn ra, chú rể sẽ thắp nến và để trên bàn thờ tổ tiên nhà gái. Nghi lễ này đặc biệt thể hiện sự thành kính của nhà trai với ước mong cặp đôi sắp cưới sẽ luôn hòa thuận, đầm ấm. Kính xin gia tiên về thưởng thức trà, rượu, thuốc lá và chúc phúc cho hai người.

Mâm quả ba: Bánh su sê

Bánh su sê hay còn được gọi là bánh phu thê. Ngay đến cái tên bánh này cũng vô cùng ý nghĩa. Chúng không chỉ được dùng ở đám cưới hỏi miền Nam mà miền Bắc và Trung cũng không thể thiếu. Bánh su sê là tượng trưng cho sự hòa hợp giữ đất trời. Chúng mang lại ý nghĩa về sự đồng thuận, đồng lòng và sự gắn bó bền chặt trong đời sống vợ chồng.

Người miền Trung thường chỉ sử dụng bánh phu thê trong khi tại miền Nam, mâm quả này còn có thêm cả bánh cốm. Còn tại miền Bắc, nhiều đám cưới lại chỉ sử dụng bánh cốm. Bánh su sê, bánh cốm ở miền Bắc thường chỉ đựng trong các hộp giấy. Còn tại miền Nam, bánh phu thê được nắn vuông vức và gói bọc bằng lá dứa vô cùng đẹp mắt và kỳ công.

Mâm quả bốn: Xôi gấc

Xôi gấc là một món ăn truyền thống và rất hay được thắp hương vào các ngày rằm và mùng một tại nhiều địa phương trong nước ta. Màu đỏ của xôi gấc tượng trưng cho sự may mắn. Hương vị của món ăn này là tượng trưng cho sự ngọt ngào trong cuộc sống lứa đôi tương lai. Sự kết dính đặc biệt của gạo khi được nấu thành xôi là biểu tượng của một tấm lòng thủy chung, son sắt giữa vợ chồng. Do đó, mâm xôi gấc là mâm quả không thể thiếu tại đám hỏi của người miền Nam. Ở mâm này, người ta có thể có thêm gà hoặc chỉ có xôi không.

Tham khảo thêm: Mâm quả đám cưới người Hoa gồm những gì

Mâm quả năm: Hoa quả kết rồng phượng

Với đặc trưng là vùng đất của các loại trái cây, lễ vật tại miền Nam không thể thiếu một mâm hoa quả. Mâm hoa quả kết rồng phượng tượng trưng cho một cuộc sống đầy đủ, sung túc của cặp đôi sắp cưới. Nó còn thể hiện sự ngọt ngào trong hôn nhân của hai người.

Ở lễ vật này, các loại hoa quả được nhà trai lựa chọn ngon nhất, đẹp nhất, tươi mới nhất. Sau đó, chúng được các nghệ nhân khéo léo tạo thành hình rồng phượng sang trọng và lộng lẫy. Đối với một số gia đình giản dị thì mâm quả này chỉ được xếp bày trong khay sao cho đẹp mắt mà không cần kết hình rồng phượng. Tuy nhiên, điểm chung ở mọi đám hỏi là hoa quả được chọn ở mâm lễ vật này thường là nho, táo, xoài, thanh long,… Các loại quả có vị đắng, chát, chua hay có những cái tên không may mắn như chuối, lựu, bom sẽ bị tránh.

Mâm quả sáu: Heo sữa quay

Trong các mâm lễ vật đám hỏi đã có hoa quả, rượu, trà,… thì không thể thiếu một món mặn là thịt. Thông thường, tại miền Nam, người ta sẽ lựa chọn món mặn này là một mâm heo sữa quay. Heo sữa được quay nguyên con với lớp da được nướng óng ả, đẹp mắt. Mâm lễ vật này thể hiện được sự ấm no, không bao giờ thiếu đồ ăn của cặp vợ chồng tương lai. Nếu như tại mâm xôi gấc đã có gà thì có thể mâm heo sữa quay sẽ được giản lược.

Trên đây là chi tiết sáu mâm quả trong đám cưới miền Nam. Ngoài sáu mâm trên, với những gia đình có điều kiện, người ta còn có thêm một lễ vật nữa là tráp quần áo. Đây là một đặc trưng, một lễ vật vô cùng phổ biến tại miền Nam mà miền Bắc và Trung không có. Hi vọng rằng bài viết này đã giúp cho bạn có được những thông tin cần thiết để chuẩn bị cho đám cưới hỏi của mình. Hoặc bạn cũng đã có thêm được một kiến thức bổ ích về nét văn hóa vô cùng đẹp này tại các đám cưới ở miền Nam.

Xem thêm